Những vấn đề đặt ra trong công tác chữa cháy và CNCH đám cháy tàu hoả
Vận tải đường sắt ở Việt Nam là một phương thức vận tải hàng hóa và hành khách khá truyền thống với lịch sử lâu năm. Đây là loại hình vận tải vận chuyển hàng hóa và con người bằng tàu hỏa (xe lửa, hỏa xa …) chạy trên một hệ thống đường ray cố định.
Hệ thống bao gồm một chuỗi các phương tiện tự vận hành hoặc không tự vận hành, di chuyển bằng các bánh thép trên hệ thống đường ray gồm hai đường thép chạy song song với nhau. Phương pháp vận tải bằng tàu hỏa này có tính ổn định cao vì đoàn tàu chỉ chạy trên hệ thống đường ray cố định, dừng lại theo kế hoạch ở các nhà ga.
Theo như số liệu thống kê năm 2018, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có 7 tuyến chính với tổng chiều dài gần 3.160 km. Trong đó 2.646 km đường chính tuyến và 514 km đường ga/ nhánh, bao gồm 3 loại khổ ray mà chủ yếu là khổ đường 1,000 mm (chiếm 84%), còn lại là khổ đường 1.435 mm (6%) và khổ đường lồng (9%).
Hiện nay, với sự phát triển và mở rộng không ngừng, ngành vận tải đường sắt đang dần lấy lại thị phần và khẳng định tầm quan trọng của mình trong vận tải nội địa và vận tải quốc tế. Cùng với đó là những nguy cơ xảy ra cháy, nổ khi tàu hỏa đang vận hành, đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Tại Việt Nam thời gian qua đã xảy ra vụ cháy tàu hỏa khi đang di chuyển trên tuyến đường sắt như: Vụ cháy ngày 4/6/2020 tại toa tàu số hiệu HL71509, tàu SE8 chạy hướng Nam – Bắc khi đến đoạn đường qua phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) thì bất ngờ bốc cháy, rất may không có thương vong về người nhưng hàng hóa trong toa tàu này đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Hình ảnh: Công tác chữa cháy tàu hỏa SE8 ngày 4/6/2022
Về kết cấu của tàu hỏa bao gồm có hai bộ phận chính là đầu máy và các toa xe. Đầu máy: Gồm các loại đầu máy chạy bằng hơi nước, đầu máy chạy dầu điêzen, sử dụng than củi và dầu điêzen để khởi động và vận hành, đầu máy chạy bằng điện năng. Các toa xe có nhiều loại toa xe khác nhau. Toa chở hành khách thường chế tạo vỏ thép, bên trong có các lớp trang trí, điều hòa, ghế ngồi, giường nằm có các lớp đệm lót bằng vật liệu dễ cháy…Toa xe chở hàng được chế tạo khung bằng thép, sàn, thành toa bằng tôn lát gỗ. Vật liệu chuyên chở rất đa dạng và phong phú, luôn luôn tồn tại các chất nguy hiểm về cháy nổ. Căn cứ mục đích sử dụng trong việc vận chuyển hành hoá có toa có mái che, có toa không có máy che, toa xitéc, toa tự đổ… Ngoài ra còn có các toa xe chuyên dùng như: Toa bưu điện, toa ăn uống, toa dành cho nhân viên phục vụ trên tàu.
Khi bị cháy tàu hỏa, lửa lan nhanh theo các chất cháy có trên toa xe (nhất là đối với các đoàn tàu chở hàng hoá, vật tư dễ cháy, hoặc các toa hành khách). Ngọn lửa lan nhanh, diện tích đám cháy phát triển và bao trùm toàn bộ toa xe, cháy lan sang các toa kế cận.
Nếu để đám cháy đoàn tàu xảy ra trong khu vực nhà ga trung tâm thì diễn biến đám cháy càng trở nên phức tạp vì ở đó có nhiều hành khách, gây nên tình trạng hỗn loạn, mất trật tự an toàn trong nhà ga ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu chữa vụ cháy. Hơn nữa trong nhà ga có nhiều các chất và vật liệu dễ cháy, nếu không phát hiện kịp thời, khống chế ngăn chặn đám cháy ngay từ những phút ban đầu thì rất có khả năng đám cháy cháy lan sang gian, phòng, nhà kho chứa nguyên liệu, nhiên liệu của nhà ga.
Đối với đoàn tàu, toa tàu chở xăng dầu bị cháy, ngọn lửa bao trùm toàn bộ đoàn tàu, toa tàu. Nếu không kịp thời phun nước làm mát, rất có thể gây sôi trào, làm biến dạng, mất khả năng chịu lực của xitéc dẫn đến nổ, vỡ làm xăng dầu chảy tràn lên cung đoạn đường sắt hoặc mặt nền nhà ga làm cho đám cháy càng trở nên dữ dội, diện tích đám cháy lớn, khả năng dễ cháy lan sang các đoàn tàu, các ngôi nhà, công trình xung quanh. Nếu để cháy đoàn tàu chở hành khách, đám cháy rất nguy hiểm và đe doạ trực tiếp đến tính mạng con người. Do hoảng sợ quá mức khiến nhiều hành khách trên tàu nhảy qua cửa sổ để thoát ra ngoài gây nên các trường hợp thương vong đáng tiếc.
Đối với tất cả các đoàn tàu chở hàng hoá, vật tư dễ cháy, chất nổ, chất độc hoặc đoàn tàu chở khách khi đang chạy trên đường đều có thể xảy ra cháy. lúc này tàu đang chạy, điều kiện trao đổi khí rất thuận lợi, do vậy vận tốc phát triển của đám cháy lớn, sản phảm cháy mang theo nhiệt lượng và tàn lửa dễ gây ra các đám cháy mới ở khu vực khác. Đặc biệt với đoàn tàu bị cháy khi đang vào sân ga hay đang chạy trên các cung đoạn có nhiều chất cháy: Cỏ khô, nhà ở làm bằng vật liệu dễ cháy… Nếu đoàn tàu chở vật liệu nổ trên đường bị cháy có thể nổ gây hư hỏng nặng các công trình nhà cửa, cầu cống, đường xá xung quanh trong một phạm vi diện tích khá lớn.
Nói chung, đám cháy xảy ra phát triển không chỉ trong phạm vi một toa, một đoàn tàu mà có thể cháy lan sang các toa, đoàn tàu, hạng mục nhà cửa, công trình kho tàng xung quanh. Bởi vậy việc tổ chức, triển khai lực lượng chữa cháy tại chỗ vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc nhận tin báo cháy, xuất lực lượng, phương tiện lên đường đến đám cháy và triển khai chiến đấu của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cần phải khẩn trương, kịp thời mới có thể giành được hiệu quả cao.
Với những đặc điểm của đám cháy tàu hỏa nêu trên, khi tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp và nguy hiểm như:
– Thứ nhất, khả năng tiếp cận vị trí đám cháy và triển khai các hoạt động chữa cháy, CNCH gặp nhiều khó khăn nhất do đặc thù của phương tiện di chuyển trên tuyến đường sắt riêng biệt, có hành lang bảo vệ ngăn cách với đường bộ bằng hàng rào (tại khu vực dân cư) nên các phương tiện chữa cháy cơ giới trên bộ khó tiếp cận; phải triển khai đường vòi đến vị trí đám cháy.
– Thứ hai, việc tổ chức chữa cháy gặp khó khăn trong trường hợp đám cháy xảy ra ở vị trí cách xa khu dân cư, trụ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, khi các phương tiện chữa cháy và CNCH cần nhiều thời gian để tiếp cận với vị trí đoàn tàu. Không những thế, công tác chữa cháy và CNCH khi xảy ra cháy tàu thủy thường gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi gặp phải trường hợp cháy vào ban đêm.
– Thứ ba, đối với các tàu chở chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ như các loại hoá chất khi tác dụng với nước sẽ tạo thành hỗn hợp hơi, khí cháy, nổ rất nguy hiểm (Natri, Kali, Cacbua Canxi) thì không được sử dụng nước để chữa cháy. Trường hợp này cần một số thiết bị/dụng cụ chữa cháy đặc biệt, ví dụ như bình chữa cháy có kí hiệu M trên vỏ bình mới có thể chữa đám cháy kim loại. Đối với toa tàu chở vật liệu nổ, chất độc … cần đưa đoàn tàu ra xa nhà ga, xa các công trình nhà cửa, hoặc cắt rời các toa đang bị cháy để giảm thiểu nguy cơ nổ, phát tán chất độc ra các khu dân cư xung quanh và tìm mọi biện pháp để phun các chất chữa cháy vào đám cháy.
– Thứ tư, việc tổ chức CNCH gặp khó khăn do cửa lên xuống các toa tàu chở khách thường nhỏ, hẹp. Khi xảy ra sự cố cháy nổ có khả năng dẫn đến tình trạng hoảng loạn, chen lấn, xô đẩy của hành khách qua các cửa ra vào để thoát nạn, gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiến hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
– Thứ năm, tại Việt Nam việc trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH trên các toa tàu còn sơ sài, chủ yếu là các bình chữa háy xách tay dẫn đến khả năng tổ chức cứu chữa đám cháy từ ban đầu còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng công tác tổ chức chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đối với đám cháy tàu hỏa trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
(1) Đầu tư, trang bị danh mục các thiết bị, phương tiện chuyên dùng trong chữa cháy và CNCH như: Thiết bị banh cắt thủy lực, thiết bị phá dỡ… để cắt, phá cửa ra vào toa tàu trong trường hợp cửa bị kẹt; thiết bị phá kính để phá kính cửa sổ các toa hành khách trong trường hợp cần tạo lối thoát nạn khẩn cấp cho người bị nạn mắc kẹt bên trong.
(2) Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy và CNCH, trong đó tăng cường huấn luyện chuyên sâu kỹ, chiến thuật chữa cháy một số loại hình cơ sở, phương tiện giao thông đặc thù nói chung và tàu hỏa nói riêng nhằm nâng cao sự hiểu biết, năng lực ứng phó, xử lý và lựa chọn kỹ, chiến thuật xử lý đối với tình huống cháy.
(3) Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy và CNCH xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng cơ sở (đội ngũ nhân viên, lái tàu ..) và các đơn vị liên quan (sở Giao thông vận tải, các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam…) nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp giữa các đơn vị khi xử lý tình huống xảy ra trong thực tế./.
Nguyễn Hà Sơn/P5-C07